du-lich-bon-phuong photo Du-lich-bon-phuong_zps4fd7bb50.jpg

Khám Phá Thế Giới

Du Lịch Bốn Phương đồng hành cùng các bạn trên con đường khám phá những vùng đất lạ

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

TPHCM tổ chức nhiều lễ hội cuối năm 2014 để kích cầu du lịch

Lễ hội cuối năm 2014 là một sự kiện Văn hoá du lịch – Thương mại thường nhiên của TPHCM, do Sở Du lịch Thành phố phối hợp các Sở, Ngành liên quan tổ chức nhằm kích cầu tiêu dùng, phục vụ nhu cầu hưởng thụ sinh hoạt văn hoá, vui chơi giải trí và mua sắm cho đồng bào thành phố cũng như khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan thành phố.
 
Lễ hội cuối năm sẽ tạo cho thành phố một bầu không khí vui tươi với không gian lễ hội sôi động tại thời khắc đặc biệt; chuẩn bị đón chào một năm mới với khí thế hào hứng và niềm lạc quan tin tưởng vào sự phát triển, vững bước đi lên của thành phố nói chung và ngành du lịch thành phố nói riêng, phát triển theo phương châm: Thương hiệu – Hội nhập – Phát triển của ngành Du lịch thành phố.

Du khách tìm hiểu thông tin về các điểm du lịch tại TPHCM
Du khách tìm hiểu thông tin về các điểm du lịch tại TPHCM

Chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Lễ hội cuối năm 2015 sẽ gồm các hoạt động chính như: Chương trình Du lịch mua sắm; Liên hoan Ẩm thực “Món ngon các nước”; Lễ Đón đoàn khách quốc tế đầu năm 2015...

Trong không khí náo nức chuẩn bị các hoạt động cho mùa du lịch cuối năm, chương trình Liên hoan Ẩm thực “Món  ngon các nước” đã trở thành hoạt động thường niên tiêu biểu, nhằm giới thiệu các giá trị văn hóa nghệ thuật và ẩm thực truyền thống của các nước, được công chúng thành phố và du khách đón chờ. Đây cũng là một trong những dịp để giới thiệu đến bạn bè trong nước, quốc tế thương hiệu Du lịch của TPHCM.

Lễ Đón đoàn khách quốc tế đầu năm 2015, là một hoạt động thường niên, mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp; thể hiện lòng hiếu khách, truyền đạt tinh thần lạc quan, sôi nổi của công dân thành phố và sự trân trọng đối với khách du lịch chọn điểm đến là TPHCM trong mùa lễ hội cuối năm.

Lễ đón khách đầu năm luôn được tổ chức trong không khí vui tươi, ấm áp với những tình cảm nồng nhiệt nhất dành cho những du khách đầu tiên đến với TPHCM năm 2015. Lễ đón khách đầu năm 2015 diễn ra vào ngày 1/1/2015 tại Sân bay Tân Sơn Nhất.

Công Quang

Source : dulich[dot]dantri[dot]com[dot]vn

Hoàng thành cổ Malacca - Venice của phương Đông

Tọa lạc hai bên bờ, gần ngay cửa con sông hiền hòa Malacca, nơi dòng sông đổ ra eo biển Malacca, thành phố này là cố đô của Malaysia và là thành phố cổ xưa nhất của vương quốc này. 

Cách đây 600, Malacca từng là một trong những thương cảng sầm uất nhất châu Á, nơi dừng chân của các thương  nhân, tàu buôn đến từ nhiều quốc gia khác.

Hoàng thành cổ Malacca - Venice của phương Đông - 1

Một góc phố cổ nơi hoàng thành cổ Malacca, Venice phương Đông 

Do là một thành phố phát triển giao thương từ rất sớm, lại bị nhiều đế quốc xâm lược, để lại những ảnh hưởng nhất định đến đời sống cư dân, Malacca trở thành thành phố đa sắc tộc trong mọi mặt đời sống, văn hóa và các công trình kiến trúc. Mỗi đế quốc trong thời gian cai trị nơi này, đã để lại đây những dấu ấn kiến trúc, văn hóa đặc trưng của đất nước họ. Vì vậy, Malacca là một sự hòa hợp “kỳ lạ” nhưng hợp nhất giữa các nền văn hóa Đông Tây, từ Trung Quốc đến Bồ Đào Nha, Hà Lan và vương quốc Anh...

Hoàng thành cổ Malacca - Venice của phương Đông - 2

Một người họa sĩ lặng lẽ vẽ tranh trong phố cổ

Hoàng thành cổ Malacca - Venice của phương Đông - 3

Những con đường nhỏ xinh xắn trong khu phố cổ

Con sông Malacca chia thành phố thành hai phần: Phía Đông là khu phố cổ với những công trình kiến trúc phong cách châu Âu do người Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh xây dựng. Còn ở phía Tây lại mang đậm nét kiến trúc, văn hóa của người Hoa ghi dấu thời kỳ giao thương phát triển mạnh mẽ 600 năm về trước của thành phố này. Đi dọc ven sông là những mái nhà hiền hòa nép vào nhau.

Các con phố chính trong khu phố cổ của Malacca xinh xắn, nhà cửa san sát nhau, lối đi nho nhỏ, dẫn qua những ô cửa cũ và trầm lặng, treo những chiếc đèn lồng xinh xinh. Tất cả toát lên nét văn hóa đậm chất Trung Hoa.

Quảng trường Hà Lan nằm ở trung tâm thành phố với những con đường lát gạch đỏ, cùng với nhà thờ cổ Malacca đỏ rực dưới nắng. Gần đó là một công viên xinh xắn mô phỏng đời sống của người Hà Lan với biểu tượng một chiếc cối xay gió, gợi nhớ thời kỳ những người Hà Lan đã đến đây.

Hoàng thành cổ Malacca - Venice của phương Đông - 4

Quảng trường Hà Lan với nhà thờ cổ Malacca

Cách đó không xa là pháo đài Bồ Đào Nha A’Famosa, một công trình kiến trúc rộng lớn, được xây dựng vào thế kỷ 16, đã bị người Hà Lan và người Anh sau đó khi đến xâm lược nơi này đã hủy hoại gần như toàn bộ, trở thành phế tích với những bức tường rêu phong sót lại. Đến đây bạn có thể gọi một chiếc xe trishaw, một loại xe lôi, xe xích lô của người địa phương, được trang trí rất rực rỡ để đi dạo quanh thành phố và ngắm nhìn từng di tích.

Hoàng thành cổ Malacca - Venice của phương Đông - 5

Dòng sông Malacca chảy êm đềm giữa lòng thành phố

Hoàng thành cổ Malacca - Venice của phương Đông - 6

 Những chiếc xe trishaw đậu chờ khách

Dọc theo những con đường nhỏ dẫn lên đồi St.Paul là không gian thơm ngát mùi cây cỏ và những làn gió nhẹ thổi về. Từ trên đỉnh đồi St. Paul nhìn xuống bên dưới là thành phố Malacca xinh xắn, tràn ngập một màu xanh. Trên đồi Paul giờ đây là một nhà thờ cổ đã bị chiến tranh và những cuộc xâm lấn tàn phá, chỉ còn là những bức tường loang lổ hoang phế ngập tràn nắng và bức tượng thánh Paul cụt tay trầm tư in hình trên nền trời.

Hoàng thành cổ Malacca - Venice của phương Đông - 7

Tượng Saphia Thánh Paul cụt tay in hình giữa nền trời

Hoàng thành cổ Malacca - Venice của phương Đông - 8

 Thánh đường Paul chỉ còn là những phế tích

Hoàng thành cổ Malacca - Venice của phương Đông - 9

Những bức tranh vẽ về Malacca bày bán cho du khách

Nằm bên bờ Ấn Độ Dương xanh thẳm và diệu kỳ, Malacca nhỏ bé nhưng giàu có vô tận về văn hóa sẽ là một thế giới cảm xúc mênh mang, ấn tượng và sâu sắc đến khó quên trong lòng người.

Source : 24h[dot]com[dot]vn

Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

Vãn cảnh chùa Hương mùa hoa Súng

Bầu trời cảnh Phật

Chùa Hương là cách nói trong dân gian, trên thực tế chùa Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình làng. Trung tâm của cụm đền chùa tại vùng này chính là chùa Hương nằm trong động Hương Tích, hay còn gọi là chùa Trong.

Quần thể chùa Hương có nhiều công trình kiến trúc rải rác trong thung lũng suối Yến. Khu vực chính là chùa Ngoài, còn gọi là chùa Trò, tên chữ là chùa Thiên Trù. Tam quan chùa được cất trên 3 khoảng sân rộng lát gạch, sân thứ ba dựng tháp chuông với 3 tầng mái. Đây là một công trình cổ, dáng dấp độc đáo vì lộ hai đầu hồi tam giác trên tầng cao nhất. Tháp chuông này nguyên thủy thuộc chùa làng Cao Mật, tỉnh Hà Đông, năm 1980 được di chuyển về chùa Hương.

Vãn cảnh chùa Hương mùa hoa Súng - 1

Hoa Súng nở trên suối Yến- cảnh tượng đẹp ở chùa Hương

Chùa chính, tức chùa Trong không phải là một công trình nhân tạo mà là một động đá thiên nhiên. Ở lối xuống hang có cổng lớn, trấn cổng ghi 4 chữ “Hương Tích động môn”. Qua cổng là con dốc dài, lối đi xây thành 120 bậc lát đá. Vách động có 5 chữ Hán “Nam thiên đệ nhất động” khắc năm 1770, là bút tích của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm.

Chùa Hương những năm gần đây thường khai hội chính vào ngày 6 tháng Giêng và kéo dài suốt 3 tháng, là kỳ lễ hội dài và lớn nhất miền Bắc. Đường vào chùa Hương tấp nập vào ra hàng trăm thuyền trên suối Yến. Bước khỏi thuyền, du khách được hòa nhập vào núi vãn cảnh chùa chiền và bắt đầu hành trình mới - hành trình leo núi. Leo núi chơi hang, chơi động, đường núi từ chùa Ngoài vào chùa Trong lúc nào cũng tấp nập.

Suối Yến nở hoa

Không muốn đi chùa Hương vào mùa trảy hội đông đúc, xô bồ, nhiều năm gần đây, du khách thường chọn du lịch chùa Hương mùa hoa Súng nở, vào tháng 10, tháng 11 âm lịch, vắng hẳn không khí nườm nượp đổ về của du khách tứ phương, cả khu danh thắng như chìm vào một giấc mơ tiên nơi trần thế.

Thuyền đò vắng người, không còn bị chen lấn, chờ đợi, suối Yến yên bình càng cho chúng ta sự tĩnh tâm, xua hết mọi ưu tư. Ông Nguyễn Xuân Hoan - Phó Trưởng ban quản lý di tích chùa Hương cho biết: “Trước đây chùa Hương chỉ đông vào mùa lễ hội, nhưng vài năm gần đây, nhiều người chọn đến chùa Hương vào mùa không phải lễ hội để ngắm cảnh hoa Súng nở trên suối Yến, cũng là một sản phẩm du lịch mới rất hấp dẫn, nhất là đối tượng khách du lịch trẻ. Họ thuê thuyền đi chụp ảnh từ sáng sớm để thưởng thức hết các góc độ của hoa súng khi mặt trời chưa mọc, mới mọc và khi có ánh sáng rực rỡ. Mỗi ngày thường có khoảng 200-300 khách tham quan, thứ 7, Chủ nhật thì đông hơn, khoảng 500-600 khách”.

Thuê một chiếc thuyền nhỏ với một người chèo giá khoảng 100.000-120.000 đồng, mỗi thuyền ngồi 2 người, bạn sẽ được lạc vào một giấc mơ khi thuyền xuôi trên suối Yến. Cả một quãng dài suối hồng những hoa Súng, hoa mạnh mẽ vươn lên từ nước lạnh, sắc màu làm ấm cả không gian xung quanh, trên nền lau trắng và cây hai bên bờ xanh xanh, sắc hoa càng nồng đượm. Lê Ngọc Thanh- một du khách trẻ đến từ TP.HCM cho biết: “Thật không bõ công khi lặn lội hơn 2.000km ra với chùa Hương mùa này, tôi được thưởng thức trọn vẹn phong cảnh của suối, hoa, trời, nước và chùa, động… trong một không gian thanh tịnh rất hợp với chốn thiền môn”.

Source : 24h[dot]com[dot]vn

Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Presstrip trải nghiệm tiềm năng du lịch Huế


Video clip: Press trip trải nghiệm tiềm năng du lịch Huế (Thực hiện: Khánh Hiền) 

Presstrip lần này do Việt Đà Travel phối hợp cùng các đại diện ngành du lịch thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức. Chương trình nhằm giới thiệu những điểm đến du lịch mới, và những điểm du lịch còn nhiều tiềm năng ở Huế.

Đoàn Presstrip trải nghiệm tiềm năng du lịch Huế xuất phát từ trạm Hải Vân - Đà Nẵng 
Đoàn Presstrip trải nghiệm tiềm năng du lịch Huế xuất phát từ trạm Hải Vân - Đà Nẵng 

Mở rộng mục đích chuyến đi nhằm quảng bá, kích cầu du lịch Miền Trung, với điểm nhấn là hành trình di sản nối liền từ Quảng Nam - Đà Nẵng - Huế; trong đó Đà Nẵng đóng vai trò vừa là một điểm trung chuyển với hệ thống giao thông vận tải thuận lợi, vừa là một điểm dừng chân lý tưởng trước khi tiếp tục hành trình vào Nam, ra Bắc khám phá du lịch Việt Nam.

Trong hai ngày, một đêm, với sự hợp tác của các hãng lữ hành, các điểm kinh doanh dịch vụ du lịch tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đoàn đã khảo sát nhiều điểm đến ở Huế có nhiều tiềm năng khai thác du lịch cộng đồng gắn liền với các làng nghề truyền thống, du lịch tâm linh, du lịch tìm hiểu văn hóa và ẩm thực ở nội thành Huế và vùng ngoại ô ở đất Thần Kinh.

Nhiều điểm đến cho thấy tiềm năng du lịch lớn ở Huế, nhưng thực trạng vẫn còn như “nàng công chúa xinh đẹp đang còn ngủ say trong rừng sâu” - như cách một hướng dẫn viên của Huế Tourist ví von thực trạng tiềm năng du lịch Huế chưa được “đánh thức”, chưa được khai thác để ngành du lịch không khói ở đây phát triển xứng tầm với tiềm năng.

Du lịch Huế vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác để xứng tầm
Du lịch Huế vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác để xứng tầm

Một số điểm đến ở Huế được các thành viên đoàn Presstrip ghi nhận đầy tiềm năng góp phần phát triển du lịch bền vững ở Huế bên cạnh những lăng tẩm đền đài lâu nay gắn liền với thương hiệu du lịch Huế, như các nhà vườn ở Kim Long, chùa Từ Hiếu, các làng nghề chằm nón lá, làng nghề làm hương trầm, làng hoa giấy Thanh Tiên…

Du khách hào hứng với trải nghiệm làm nghề truyền thống ở làng hương trầm Huế
Du khách hào hứng với trải nghiệm làm nghề truyền thống ở làng hương trầm Huế

Phillip - một hướng dẫn viên đang dẫn đoàn du khách đến từ Bỉ tham quan các làng nghề ở Huế chia sẻ với Dân trí khi đoàn Presstrip đến làng nghề hương trầm Huế: “Các du khách nước ngoài đến Huế đặc biệt thú vị với những trải nghiệm thực tế ở các làng nghề địa phương. Ví dụ như tự tay làm một thẻ hương trầm. Công việc rất khó  khăn. Không phải ai cũng làm được. Nhưng thử làm một công đoạn nhỏ như lăn trầm để hoàn chỉnh một cây nhang cũng hết sức thú vị. Họ chắc chắn sẽ có nhiều câu chuyện kể với người thân, bạn bè khi trở về nước sau chuyến đi”

Đặc biệt ấn tượng là hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Đây là vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á với chiều dài 24km, diện tích 52km2 nằm trên địa phận kéo dài da 12 xã của 3 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế).


Du khách hào hứng với trải nghiệm làm nghề truyền thống ở làng hương trầm Huế
Du lịch khám phá hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai - hệ thống đàm phá lớn nhất Đông Nam Á với tổng diện tích 52km2 là trải nghiệm khó bỏ qua ở Huế

Ông Đinh Văn Lộc đến từ VietDa Travel, đại diện Ban tổ chức chia sẻ: “Presstrip lần này được kỳ vọng góp phần quảng bá tiềm năng du lịch Huế từ những trải nghiệm thực tế của các thành viên đoàn Press trip. Chúng tôi cũng mong muốn chính quyền địa phương có cơ chế hỗ trợ phát triển du lịch làng nghề, có giải pháp hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm làng nghề, để người dân địa phương ăn nên làm ra hơn từ việc tham gia du lịch cộng đồng”.

Bài và ảnh: Khánh Hiền

Source : dulich[dot]dantri[dot]com[dot]vn