Đó là bãi biển Hàm Thuận Nam, thuộc huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Nơi đây còn có ngọn Hải đăng Kê Gà cổ kính, được xây dựng hơn 100 năm qua trên đỉnh đảo Kê Gà, có giá trị lịch sử lâu đời, điểm tô cho không gian chung thêm phần kỳ vĩ giữa một vùng cảnh trí thơ mộng và tuyệt đẹp.
Hải đăng Kê Gà nhìn từ đất liền
Nhìn từ đất liền, đảo Kê Gà như một chú cá heo bị mắc cạn, đầu hướng ra biển, dáng nằm hiền từ, có vẻ buồn rầu. Một vùng trời nước mở ra mênh mông, lãng du, tạo cảm giác thật là phấn khích. Đi thuyền một vòng quanh đảo, bạn sẽ được ngắm nhìn ngọn hải đăng từ nhiều góc nhìn khác nhau, góc nhìn nào cũng có thể thấy được vẻ sừng sững kiêu hãnh của nó vươn lên nền trời.
Những cánh chim chiều bâng khuâng bay lượn, những sinh vật biển hiền từ và bãi đá với vô vàn tảng đá hình dáng kỳ thú bao quanh đảo, được sắp đặt ngẫu hứng bởi bàn tay kỳ diệu của tạo hóa, tạo nên một không gian quyến rũ vô cùng.
Những bãi đá nhiều hình thù kỳ thú bao quanh đảo
Quả thật ít ai biết rằng vùng biển thơ mộng nơi đây từng có vị trí cực kỳ hiểm yếu, là tuyến giao thông hàng hải quan trọng nối liền các vùng biển từ Trung xuôi về Nam và có nhiều bãi đá ngầm. Nhiều tàu thuyền qua lại khu vực này, đặc biệt là các tàu buôn của nước ngoài, thường bị nạn và xem đây là mốc giao thông đen trên biển. Chính vì vậy, người Pháp đã cho xây dựng ngọn hải đăng này để dẫn đường cho tàu thuyền qua lại được an toàn.
Năm 1897, hải đăng Kê Gà được xây dựng bởi một kỹ sư người Pháp tên Chnavat thiết kế, đến năm 1899 thì hoàn thành và năm 1900 thì đưa vào hoạt động. Tháp đèn cao 35m, toàn bộ chiều cao của tháp từ đỉnh đến mặt biển là 65m. Toàn bộ ngọn hại đăng được xây dựng theo hình bát giác bằng đá hoa cương, là một di tích kiến trúc độc đáo bậc nhất Việt Nam. Trên đỉnh tháp là những ô cửa kính dày, bao bọc hai bóng đèn có công suất 2000W, xoay được 360 độ, về đêm có thể chiếu sáng đến 22 hải lý.
Ngọn hải đăng hình bát giác kiêu hãnh vươn cao giữa trời xanh
Con đường dẫn lên ngọn hải đăng đi giữa hai hàng cây đại thụ cổ
Vùng biển Hàm Thuận Nam xanh thẳm và mênh mông nhìn từ đỉnh ngọn hải đăng
Lối dẫn vào ngọn hải đăng là hàng cây đại cổ cũng được trồng ngay sau khi ngọn hải đăng được xây dựng xong, đến nay cũng đã hơn trăm tuổi, gốc cây xù xì cổ kính, tán lá rộng và xanh, bốn mùa nở những bông hoa trắng điểm tô cho thắng cảnh nơi đây thêm phần xinh đẹp. Những bậc thang dẫn lên ngọn hải đăng được xây bằng bê tông kiên cố, đi giữa những hàng cây đại xanh thăm thẳm, tạo cảm giác thật bình yên giữa một vùng thiên nhiên còn hoang vắng mơ màng.
Mặt trước của cửa ra vào tháp là một tấm đá hoa cương lớn, khắc con số 1899 tức là năm hoàn thành tháp. Bên trong tháp là một cầu thang xoắn ốc bằng thép dẫn đường lên cao mãi, đến tận đỉnh tháp, gồm 184 bậc thang, đã hơn 100 năm tuổi mà vẫn mang một nét đẹp thật kỳ lạ và thu hút người đến tham quan chiêm ngưỡng. Những vòng tròn nối tiếp nhau từ thấp lên đến đỉnh cao trong một không gian sẫm tối đã làm cho ngọn tháp thêm phần bí ẩn và cổ kính.
Cầu thang bằng thép bên trong, dẫn lên đỉnh ngọn hải đăng
Lên đến đỉnh tháp, từ hành lang của ngọn tháp, một vùng trời nước mở ra mênh mông. Các bãi biển, rừng dương, những bờ cát dài hàng chục km như được thu gọn vào tầm mắt. Dưới chân tháp những ngọn sóng cứ âm thầm vỗ về bờ.. Những cánh chim chiều chao trong không gian vẻ xa vắng cô đơn. Từ phía xa, hoàng hôn dần xuống, để lại trên nền trời một sắc cam đỏ trầm buồn. Những chiếc thuyền của ngư dân neo đậu trong vịnh biển, gợi lên ý niệm về một cuộc sống lạc quan.
Trời đã dần sẫm tối, hoàng hôn trải rộng trên mặt biển. Mặt biển sóng sánh màu nâu đỏ.. Phía xa xa mặt trời đã tạm biệt một ngày ấm áp để lui dần vào bóng đêm. Từ bờ ngoái nhìn lại, ngọn hải đăng Kê Gà đã bắt đầu sáng lên, lặng lẽ làm nhiệm vụ của một người dẫn đường trên biển thầm lặng mà tận tụy vô cùng.