Mắc ca - cây “tỷ đô”
Mắc - ca hiện là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, được mệnh danh là “cây tỷ đô” tại Việt Nam, với nhu cầu lớn trên thị trường thế giới, đã được trồng thử trong nước từ hơn một thập kỷ trước. Mắc ca có 18 loài và Úc được coi là cái nôi phát triển đầu tiên của cây mắc ca với 10 loài nguyên sản. Mặc dù đi sau Úc hàng thế kỷ và được phát triển dựa trên cơ sở nhập hạt giống từ Úc vào những năm 80; tuy nhiên hiện nay, Hawaii (Hoa Kỳ) lại được coi là quốc gia có ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ cây mắc ca hàng đầu trên thế giới.
Tại Việt Nam, được nhập về trồng từ đầu những năm 2000, cây mắc ca đang dần chứng tỏ lợi thế vượt trội và được nhận định sẽ được trồng bổ sung, tiến tới trồng thay thế cây cà phê truyền thống ở Tây Nguyên. Theo các báo cáo thống kê gần đây, nhu cầu trên thế giới cho cây mắc ca cao gấp 4 lần tổng sản lượng, nguồn cung hạt mắc ca còn được dự báo phải mất hàng chục năm nữa mới đuổi kịp cầu khi cầu ngày càng mở rộng. Giá cả mắc - ca trên thị trường thế giới vẫn không ngừng tăng và là một trong những hàng nông sản đắt giá nhất hiện nay.
Ở thời điểm hiện tại, giá 1 kg nhân hạt mắc-ca thành phẩm sản xuất trong nước lên tới 700 nghìn đồng/kg, tương đương hơn 33 USD/kg. Trong khi, giá nhân hạt mắc-ca thành phẩm nhập khẩu từ Úc hiện là 950 nghìn đồng/kg, tương đương khoảng 45 USD/kg, cao hơn 36%.
Mặc dù hạt nhân mắc-ca được sử dụng cho các ngành chế biến thực phẩm, đồ ăn khô, hóa mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp nhưng trên thế giới không phải nơi nào cũng trồng được. Kể cả những khu vực được cho là trồng được, thì cũng chỉ có những nơi có tiểu vùng khí hậu phù hợp.
Sau hơn 20 năm du nhập vào Việt Nam và 10 năm trồng thử nghiệm ở quy mô nhỏ, trong quá trình trồng và theo dõi sự phát triển của cây mắc ca ở các địa phương, cho thấy ở Tây Nguyên, cây mắc - ca được trồng từ giống chuẩn, sinh trưởng tốt, cho ra hạt đúng kỳ, sản lượng và chất lượng hạt ở mức cao. Và quan trọng, cây mắc ca lại có thể trồng xen với cà phê, đáp ứng được yêu cầu cần có bóng mát của cây cà phê. Cà phê đang thu hoạch cũng có thể trồng xen cây mắc ca, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng.
Rót 20.000 tỷ đồng vào “cây tỷ đô”
Ngày 7/2 tới, tại Đà Lạt, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức một hội thảo chuyên đề về phát triển cây mắc-ca (Macadamia) tại khu vực Tây Nguyên. Hội thảo có sự tham dự của ông Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cùng các lãnh đạo các Bộ/Ban/Ngành có liên quan.
Tại hội thảo này, Công ty Cổ phần Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) sẽ giới thiệu lộ trình triển khai đề án đầu tư phát triển cây mắc-ca, dự kiến quy mô trên 20.000 tỷ đồng trong 5 năm đầu.
Đây là đề án đầu tiên hướng đến việc phát triển quy mô lớn loại cây này tại Việt Nam, được tổ chức từ tạo giống, quy hoạch vùng nguyên liệu và cho vay vốn, cũng như trực tiếp tham gia với các hộ nông dân trên địa bàn.
Đầu năm 2014, LienVietPostBank và Him Lam đã xây dựng đề án với trù tính quy mô khoảng 10.000 tỷ đồng, trong đó trực tiếp tham gia trồng 5.000 ha. Qua quá trình khảo sát, quy mô này được mở rộng dự kiến từ 20.000 - 25.000 tỷ đồng, bắt đầu triển khai cụ thể từ 2015.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), người có ý tưởng và trực tiếp xây dựng đề án cho hay: “Chúng tôi muốn cho dân vay để trồng loại cây này, cho vay trung dài hạn 7-10 năm. Theo tính toán thì đến năm thứ 7 là nông dân đã có thể thu hồi xong vốn và có lãi. Nó bền vững và điều này cần cho ngân hàng. Việt Nam gần như chưa có sản phẩm mắc-ca để bán. Bởi, các hãng thực phẩm, bánh kẹo, mỹ phẩm đã mua sạch nguyên liệu rồi. Trên thế giới, các thống kê cho thấy nhiều năm rồi cung vẫn không đáp ứng đủ cầu. Với chúng tôi, trước mắt chưa tính đến xuất khẩu, chỉ riêng đáp ứng trong nước đã đủ rồi”.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Hưởng: “Từ trước đến giờ chúng tôi luôn xác định nông dân là đối tượng khách hàng rất tốt cho ngân hàng. Chúng tôi đang cho vay trồng lúa, chăn nuôi, kể cả trồng cà phê. Nên với chúng tôi, làm mắc-ca là đúng việc. Chúng tôi muốn mọi người quan tâm hơn đến nó, vì nó còn rất mới, làm sao để người dân đến với nó nhanh hơn, thành công đến nhanh hơn và họ đỡ vất vả hơn”.
Nhật Hà