Nằm trên xa lộ 6 từ Phnom Penh đi Siem Reap, tỉnh lỵ yên ả Kampong Thom, có khá nhiều người Việt ngụ cư, hiếm khi là điểm dừng của khách du lịch Việt. Chỉ con đường nhựa duy nhất ngang phố, ngang qua dòng Stung Sen xanh trong lững lờ, phố nhỏ đìu hiu ẩn chứa những di tích kỳ bí, những bí mật, huyền thoại sau những tháp đổ, đền nghiêng.
Huyền bí Sambor Prei Kuk gạch nung
Ẩn khuất ở góc đông bắc miệt Kampong Thom, kinh đô đầu tiên từ những năm 550 – 598 của Chân Lạp – Bhavapura, rồi sau đó là Ishanapura và giờ là Sambor Prei Kuk, nằm sâu trong những cánh rừng đồng bằng rậm rịt. Những con đường đất đỏ khi bụi mờ bụi mịt, khi sình lún trơn trợt tung toé những vòng xe, chạy len giữa những vườn xanh, đồng mướt ngày mùa sẽ là thử thách hay tưởng thưởng tặng kèm cho những du khách tìm đến miền xưa. Nói nào ngay, ai mong chờ những tháp đài uy vĩ hùng tráng như Angkor sẽ hơi thất vọng ban đầu khi chạm ngõ. Nhưng dù có từng mê mệt với Angkor vĩ đại hay chưa, những nét duyên lạ cũng như những gì Sambor Prei Kuk lưu giữ được đến giờ sẽ làm du khách ngỡ ngàng, rất nhanh.
Sài Gòn đi Phnom Penh rất nhiều chuyến, từ tờ mờ sáng đến xế chiều, loại xe rẻ nhất chỉ 170.000 đồng, 5 – 6 tiếng. Phnom Penh đi Kampong Thom khoảng 4 – 5 tiếng, 80.000 đồng. Có thể đi xe ôm đến Sambor Prei Kuk (sẽ có nhiều bác tài đến mời chào lúc vừa xuống xe) hoặc tự thuê xe gắn máy (30km), đường đất đỏ hơi khó đi và dễ lạc. Vé vào cửa 63.000 đồng. Chợ đêm Kampong Thom ngay trước chợ tỉnh, là điểm khám phá ẩm thực thú vị. Đông vui, giá rẻ và nhiều món địa phương. Nhà nghỉ đơn giản giá từ 100.000 đồng/phòng quạt/đêm.
Trước tiên là về chất liệu. Già nua hơn những ngôi đền đá Siem Reap vài thế kỷ tuổi tác, việc những ngôi đền phần lớn bằng gạch nung đâu đó 14 thế kỷ tuổi tác Sambor Prei Kuk vẫn đứng vững qua cuộc chiến với ngần ấy thời gian là một dấu hỏi lớn. Chưa kể, nơi đây từng là “vùng rốn” nhận bom trút của quân đội Hoa Kỳ những năm 60 – 70 thế kỷ trước… Thế nhưng vẫn còn bảy, trong 54 cụm tháp đền nguyên thuỷ vẫn hãnh trụ giữa rừng xanh. Tuy chỉ được ngó nghiêng chỉ ba trong bảy cụm đền còn lại vì bốn vùng kia vẫn chưa gỡ hết mìn bom, du khách sẽ choáng ngợp bởi không chỉ những ngôi đền vững gan cùng tuế nguyệt mà còn bởi những kiến trúc tinh tế. Những chạm khắc trên gạch nung sẽ dễ hơn đá xanh nhưng rồi sẽ chóng mòn hơn – nhưng rất nhiều những chạm trổ tinh xảo trong những kiến trúc dù chỉ cỡ nửa viên gạch vẫn còn tinh xảo ngời ngời. Bởi chất liệu gạch của hơn ngàn năm trước, bởi tài hoa người xưa… hay có còn gì khác chăng?
Rồi đến cuộc chiến với thiên nhiên – cụ thể ở đây là rừng nhiệt đới rậm rịt ôm quanh. Nhờ đả nữ Angelina Jolie, ngôi đền Angkor Ta Prohm ở Siem Reap trở nên nổi tiếng, nhưng chẳng cần đến Angkor để chỉ thấy mỗi một “ngôi đền cây nuốt” đó, vì chúng hằng hà sa số ở Sambor Prei Kuk. Cuộc chiến giữa đám cổ thụ với ngôi đền đá xanh hoành tráng đương nhiên sẽ khác hẳn với mấy ngôi tháp gạch nung nhỏ nhoi khiêm tốn. Nhưng chiến trường dai dẳng hơn thiên niên kỷ giữa mẹ thiên nhiên, đại diện là lũ đa cổ thụ với bộ rễ tinh quái và con người, qua những ngôi đền xây nên từ những bàn tay tài hoa, vẫn bất phân thắng bại ở đây. Dù nhiều ngôi đền bị cây đè sập, nuốt trọn… Sambor Prei Kuk vẫn còn đó những ngôi đền ngạo nghễ giữa rừng xanh.
Độc bản sư tử đá Sambor Prei Kuk
Sư tử đá Prasat Tao với mái bờm đá đen dài lượn sóng mượt mà, tư thế uyển chuyển sinh động… rõ dáng Chămpa, Chân Lạp, gần gũi nét Đại Việt… đẹp thanh thoát
Trong ba cụm mở cửa cho du khách thăm viếng, có lẽ Prasat Tao là ngôi đền lạ lẫm, huyền bí nhất. Không có những điêu khắc tinh xảo đẹp đẽ như ở các cụm đền Trapeang Ropeak, Prasat Sambor... Prasat Tao có những nét độc đáo rất riêng. Được vua Isanavarman xây dựng ở thế kỷ 7, rồi được trùng tu bởi vua Jayavarman II ở thế kỷ 9, ngôi đền bằng gạch nung cao 25m, với chất kết dính đặc biệt nào đó mà giờ vẫn chưa giải mã được có đến bốn cánh cửa ở bốn hướng, nhưng tại sao chỉ mỗi một cửa đông được mở, ba cánh của còn lại vẫn kín mít lại là một bí hiểm khác.
Chưa hết, trước lối vào cửa đông là một cặp sư tử bằng đá đen đẹp đẽ oai phong trấn giữ. Trong cả khu vực chỉ chủ yếu kiến trúc gạch nung, số ít đá ong, cặp sư tử bằng sa thạch đen bóng rất lạ, nổi bật. Không đạp cầu, không răng sắc nhọn, không phô phang chân dài, ức nở, ngực to… sư tử đá Prasat Tao với mái bờm đá đen dài lượn sóng mượt mà, tư thế uyển chuyển, sinh động... rõ dáng Chămpa, Chân Lạp, gần gũi nét Đại Việt đẹp thanh thoát.
Điều lạ nữa là chúng vẫn gần như y nguyên sau hơn thiên niên kỷ, trước cả thời gian, chiến trận, đạn bom, lòng tham. Chẳng là truyền thuyết xa xôi, thời tao loạn xứ này mới thế kỷ trước, bao người muốn lấy chúng về làm của riêng đều không được. Ngay cả khi muốn dời đi để trùng tu ngôi đền, cả lực lượng hùng hậu bao nhiêu công nhân cũng chẳng rinh nổi. Đến khi chính quyền sở tại nhờ các nhà sư đến khấn vái – chỉ cần bốn người đã dễ dàng đưa chúng đến nơi tạm bảo quản, và sau đó nhẹ nhàng đưa về chốn cũ, để chúng tiếp tục “công việc” đã nhẫn nại hơn ngàn năm qua.
Chia tay đền xưa tháp cũ, tôi về phố khi nắng chiều đã nhuốm vàng những đọt thốt nốt vút cao. Bên dòng Stung Sen vàng hoàng hôn vắng, nhớ Sambor Prei Kuk mới vừa chia xa, tôi miên man về những tháp Chàm, đền Hời xứ mình thuở hoàng kim rực rỡ ngàn năm trước… và giờ đây. Ngàn năm sau, có còn ai nhớ chuyện đời tro bụi, hư ảo sắc sắc không không!
Cuộc chiến giữa những ngôi đền gạch nung và lũ đa cổ thụ hết sức ác liệt
Và nụ cười vẫn nguyên sơ