Viễn cảnh “tối tăm” về thị trường khách Nga
Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Khánh Hòa cho biết, năm 2014, hoạt động du lịch có những khởi sắc, tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động và từng bước khẳng định được thương hiệu. Tính đến thời điểm này, tổng lượng khách du lịch đến Khánh Hòa đạt 3,6 triệu lượt khách, tăng hơn 19% so với cùng kỳ. Trong đó khách quốc tế đạt hơn 855 nghìn lượt, tăng hơn 20%.
Một số thị trường khách quốc tế có mức độ tăng mạnh từ 15-65% như: Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, trong đó thị trường khách Nga luôn dẫn đầu thị trường khách quốc tế đến Khánh Hòa. Tổng doanh thu du lịch Khánh Hòa năm 2014 đạt hơn 6 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 125%.
Theo đánh giá của Sở VH-TT&DL tỉnh Khánh Hòa, trong năm 2014, thị trường khách quốc tế đến địa phương này vẫn tăng trưởng ổn định, tăng nhẹ so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, một số thị trường tăng trưởng đột biến như Nga, luôn chiếm tỷ trọng từ 25-30% lượng khách quốc tế đến Khánh Hòa lại bộc lộ những dấu hiệu phát triển không bền vững. Nguyên nhân là do Mỹ và phương Tây thực hiện việc bao vây, cấm vận gây bất ổn kinh tế, đồng rúp bị mất giá…
Theo hãng lữ hành Pegas (hãng lữ hành đưa khách Nga đến Nha Trang, Khánh Hòa), từ nay đến tháng 4/2015, lượng khách Nga và tần suất chuyến bay đến Khánh Hòa sẽ giảm dần. Cụ thể, tháng 12/2014 là 10.300 khách với 28 chuyến bay; tháng 1/2015 là 4.000 khách với 26 chuyến bay; tháng 2/2015 là 2.400 khách với 25 chuyến bay; tháng 3/2015 chỉ còn hơn 380 khách với 23 chuyến bay và tháng 4/2015 chỉ khoảng 70 khách với 12 chuyến bay. Trong khi đó, một báo cáo của hãng lữ hành Anex cho hay tính từ nay, bình quân mỗi tháng lượng khách Nga đến Khánh Hòa khoảng 12 nghìn khách, với tần suất 52 chuyến bay/tháng. Từ đây đến tháng 4/2015, bình quân mỗi tháng lượng khách Nga đến Khánh Hòa khoảng 5 nghìn khách/tháng.
“Cái chết đã được dự báo từ trước…!”
Đó là ý kiến của ông Lê Xuân Thơm, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Hải Đăng, một doanh nghiệp kinh doanh khách sạn ở TP Nha Trang - nêu ra tại cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường khách quốc tế đến Nha Trang do Sở VH-TT&DL tỉnh Khánh Hòa tổ chức ngày 24/12.
Nói về lượng khách Nga đến Khánh Hòa có xu hướng giảm đột ngột trong ít tháng tới, ông Thơm - nhấn mạnh: “Cái chết này đã được dự báo trước từ lâu rồi! Chúng ta không có động thái nào để tìm kiếm các thị trường khác, thay vì cứ chăm bẵm cho mỗi thị trường khách Nga. Chúng ta vẫn còn đó các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Mỹ… cơ mà!”.
Theo ông Thơm, vài năm về trước, lượng khách các nước phương Tây, Úc, Mỹ, Đông Á… vẫn đến Nha Trang tham quan, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, những người làm du lịch ở Khánh Hòa đã quá xem trọng thị trường khách Nga mà quên đi thị trường khách các nước khác. Ông Thơm nói rằng lượng khách Nga đến Nha Trang, Khánh Hòa ồ ạt trong thời gian qua - có thể ví von như “con voi vào bồn tắm”, đánh bật thị trường khách các nước khác ra ngoài.
Tổng Giám đốc Công ty Hải Đăng – Lê Xuân Thơm cho rằng giải pháp tháo gỡ cần kíp lúc này là cần một giải pháp để điều tiết thị trường, đưa nhiều đối tượng du lịch đến Khánh Hòa, chứ không chỉ bó hẹp mỗi du khách Nga. Đồng thời cần giữ lại cái gì đang có, đẩy mạnh khâu xúc tiến, quảng bá du lịch trên các kênh chính thống. Trong đó, ông Thơm nêu đề xuất Hiệp hội Du lịch cần thiết lập Website để quảng bá du lịch cho tất cả các doanh nghiệp.
“Mỗi năm doanh nghiệp chúng tôi chi từ 200-500USD cho mỗi bài viết trên tạp chí du lịch do công ty nước ngoài làm nhưng không biết họ có đóng thuế cho Nhà nước hay không. Nguồn tiền chi cho việc này rất lớn, trong khi tôi nghĩ rằng những người làm du lịch ở Nha Trang này rất giỏi, đủ sức để làm việc đó”, ông Thơm mạnh dạn nêu kiến nghị.
“Cuộc giải cứu này cần phải nói thật với nhau…”
Ông Đỗ Đăng Khoa, Phó Tổng Giám đốc Khách sạn Nha Trang Lodge nói thị trường khách Nga là thị trường truyền thống tại Nha Trang từ thời Xô Viết và 2 đối tác chính là Pegas và Anex.
Ông Khoa nói rằng ai kinh doanh thì cũng phải có lãi, tuy nhiên trong lúc khó khăn này thì 2 bên cần ngồi lại để bàn cách “giải cứu” và “phải nói thật với nhau”. Đơn vị lữ hành của Nga cần nắm được khả năng thanh toán của du khách. Sau đó, tùy thuộc vào mỗi khách sạn để thống nhất mức thanh toán, đôi bên nhất trí giảm chi phí có thể để duy trì khách Nga tại Khánh Hòa.
Ông Andrey Smirnov, Ủy viên Hội đồng thành viên Công ty Ánh Dương, cho rằng về cấp tỉnh, thành phố thì nên chú trọng đến công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường… để Nha Trang thêm văn minh, sạch đẹp. Về cấp độ các doanh nghiệp, ông Andrey Smirnov nói các doanh nghiệp tại Khánh Hòa nên có chính sách đặc thù, giảm giá…một mức nào đó có thể nhằm duy trì thị trường khách Nga - như một số nước đã làm là Ai Cập, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ… “Các dụng cụ kinh tế, dụng cụ hành chính, các bạn nên sử dụng ngay bây giờ nếu không thì mất ngay cơ hội”, ông Andrey Smirnov - nói.
Trong khi đó, bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch Công ty Ánh Dương, Chủ tịch Pegas Việt Nam, cho rằng sự việc này là nằm ngoài mong muốn. Hiện chưa đề nghị một doanh nghiệp nào phải giảm giá nhưng tán thành với phương án “trả chậm”. “Lúc này Ánh Dương chấp nhận thua lỗ một thời gian nhằm giữ thị trường. Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng giữ công ty qua những chao đảo, khó khăn do bên ngoài mang tới nhưng rất cần Chính phủ giúp đỡ”, bà Thu khẳng định - và hỏi bà Phan Thị Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Khánh Hòa, người chủ trì cuộc họp rằng - được biết Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL kiến nghị với Thủ tướng xin giảm 5% VAT và 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đơn vị kinh doanh du lịch. Hiện kiến nghị này đã được thông qua hay chưa, nếu chưa thì vào lúc nào.
Tại cuộc họp, bà Phan Thị Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Khánh Hòa ghi nhận các ý kiến của các doanh nghiệp là rất tâm huyết, sâu sắc. Bà Trúc nhấn mạnh việc tạo các môi trường kinh doanh và các đề nghị nêu trên của doanh nghiệp thì cơ quan quản lý Nhà nước đã làm và đặt ra, trong đó phân công rất cụ thể công việc của từng đơn vị. Bà Trúc nhắc lại chính sách mới đây là việc cử người dắt du khách qua đường tại Nha Trang.
Bà Trúc nói UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, dịch vụ trong khả năng, thẩm quyền của mình nếu giảm giá được thì giảm giá. Các vấn đề về thuế không phải thẩm quyền của địa phương, nhưng sắp tới Sở VH-TT&DL sẽ báo cáo như một tiếng nói, cùng với Bộ VH-TT&DL để kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và Trung ương.
Viết Hảo
0 nhận xét:
Đăng nhận xét