Đó là báo cáo của ông Nguyễn Chín – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - tại hội nghị tổng kết 15 năm kể từ khi Hội An và Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới do tỉnh Quảng Nam tổ chức ngày 16/12.
Theo ông Nguyễn Chín, trong 15 năm qua, nhiều di tích trên địa bàn thành phố Hội An đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo từ vốn chương trình mục tiêu của Chính phủ, ngân sách của tỉnh, thành phố Hội An, kinh phí hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế, kinh phí đóng góp của chủ di tích.
Tính đến nay, đã tu bổ, tôn tạo 425 di tích, với tổng kinh phí là 188 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước là 165,21 tỷ đồng; nguồn vốn nước ngoài tài trợ thông qua các tổ chức quốc tế là 4,89 tỷ đồng; nguồn xã hội hoá và các nguồn khác là 17,9 tỷ đồng.
Với sự quan tâm đầu tư tu bổ di tích của các cấp và cộng đồng nhân dân, đến nay Hội An đã thoát khỏi nguy cơ báo động khẩn cấp về tình trạng xuống cấp di tích như những năm thập niên đầu thế kỷ XXI. Quần thể kiến trúc khu phố cổ Hội An chủ yếu là những công trình kiến trúc gỗ nên việc bảo tồn các di tích loại hình này được triển khai thuận lợi. Giải pháp cho công tác bảo tồn di tích ở đây là bảo tồn nguyên vẹn, phục hồi nguyên gốc các di tích.
Bên cạnh việc bảo tồn và gìn giữ các di tích, công tác đầu tư phục hồi, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cũng được quan tâm chu đáo. Với sự hỗ trợ, định hướng của các cơ quan chuyên môn, các lễ hội ở các địa phương, tại các di tích từng bước được phục hồi và nay trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với du khách, sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu đối với cộng đồng dân cư...
Riêng Mỹ Sơn, là di tích kiến trúc đền tháp Chăm, mang tính chất đặc biệt về kiến trúc và kỹ thuật xây dựng. Vì vậy, việc bảo tồn trùng tu các di tích kiến trúc Chăm ở Mỹ Sơn luôn là một công việc hết sức khó khăn, một thách thức lớn đối với những người làm công tác bảo tồn di tích Việt Nam cũng như các chuyên gia quốc tế.
Trong những năm qua, với những nỗ lực không ngừng của các cấp quản lý, các nhà chuyên môn, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức và chuyên gia quốc tế, chúng ta đã từng bước cứu vãn, bảo tồn, trùng tu khu di tích này với kết quả tốt, nhằm đảm bảo sự bền vững và ổn định lâu dài cho di tích.
Đối với Mỹ Sơn, công tác trùng tu cũng được thực hiện bằng những phương pháp khác nhau. Sau khi các ngôi đền tháp đã được gia cố, gia cường, diện mạo kiến trúc được phục hồi, các thành phần kiến trúc đã được tái định vị, đứng vững với thời gian trong môi trường khắc nghiệt. Thực tế đã chứng minh, sau hơn 20 năm, những di tích được Tiểu ban hợp tác Việt Nam - Ba Lan tu bổ vẫn đảm bảo tính liên kết bền vững và đáp ứng được yêu cầu sự tương thích hợp lý trong công tác bảo tồn.
Dự án “Bảo tồn di sản thế giới Mỹ Sơn - Thuyết minh và đào tạo trong ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế về bảo tồn di sản thế giới tại nhóm tháp G Mỹ Sơn” với sự giúp đỡ của chính phủ Italy thông qua quỹ Lerici các chuyên gia Italy đã phối hợp với đội ngũ chuyên môn của Việt Nam tiếp tục bảo tồn trùng tu tại khu di tích Mỹ Sơn.
Những giải pháp kỹ thuật được áp dụng ở nhóm tháp G lần này, với việc sử dụng gạch phục chế, chất kết dính có nguồn gốc thực vật bước đầu đã tạo nên những sản phẩm tu bổ hài hòa với các yếu tố gốc và môi trường sinh thái của di tích. Tuy nhiên, với thời gian còn ngắn từ 3- 5 năm, hãy còn quá sớm để nói về hiệu quả thực tế của phương pháp này.
Tổng kinh phí trùng tu đối với di sản Mỹ Sơn 15 năm qua là 85,39 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước 23,4 tỉ đồng. Nguồn vốn nước ngoài tài trợ thông qua các tổ chức quốc tế 56,82 tỉ đồng, nguồn xã hội hoá và các nguồn khác 5,17 tỉ đồng.
“Ngoài những giá trị văn hóa vật thể, Mỹ Sơn còn ẩn chứa bên trong các giá trị đa dạng văn hóa vật thể, phi vật thể, giá trị tinh thần, vì vậy bên cạnh việc bảo tồn văn hóa vật thể, tỉnh, địa phương cũng hết sức coi trọng việc giữ gìn những giá trị văn hóa phi vật thể. Mỹ Sơn đã bước đầu tái hiện một số lễ hội dân gian, ca múa nhạc truyền thống dân tộc Chăm phục vụ nghiên cứu và du lịch...”, ông Nguyễn Chín phát biểu.
Trong 15 năm quam, tổng lượt khách đến Hội An và Mỹ Sơn đạt trên 16,8 triệu lượt người. Trong đó, lượt khách quốc tế trên 8,8 triệu lượt người (chiếm tỷ lệ 52,37%) và lượt khách nội địa trên 8 triệu lượt người (chiếm tỷ lệ 47,63%). Nguồn thu từ phí tham quan của tại 2 di sản nộp ngân sách nhà nước (từ 2001 - 2014) là 343 tỷ 431 triệu đồng.
Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cũng nêu ra những khó khăn, tồn tại đối với công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Hội An và Mỹ Sơn hiện nay. Quần thể kiến trúc khu phố cổ Hội An chủ yếu được làm bằng gỗ với niên đại vài trăm năm, những phế tích tháp Chăm ở Mỹ Sơn bằng gạch với niên đại nhiều trăm năm, lại nằm trong môi trường khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt (bão lụt, côn trùng gây hại...) nên các di tích vốn đã xuống cấp càng xuống cấp nghiêm trọng.
Khu phố cổ Hội An là 1 di tích sống, kiểu thức kiến trúc của những ngôi nhà thế kỷ XIX gây khá nhiều trở ngại, bất tiện đối với cư dân đầu thế kỷ XXI. Hơn nữa, 82,74% di tích trong khu phố cổ thuộc sở hữu tư nhân nên nhận thức và lợi ích của các chủ di tích không phải bao giờ cũng thống nhất, đồng thuận với các nguyên tắc bảo tồn.
Mặc dù đã thoát khỏi nguy cơ báo động về tình trạng xuống cấp di tích song hiện nay trên địa bàn thành phố Hội An vẫn còn nhiều di tích cần được đầu tư tu bổ trong khi đó nguồn ngân sách của địa phương chưa thể đáp ứng đủ, việc tiếp cận các nguồn vốn thuộc chương trình hổ trợ có mục tiêu của chính phủ còn hạn chế.
Bên cạnh đó nguồn vật liệu tu bổ di tích cũng bị thu hẹp nhất là vật liệu gỗ, do đó chất liệu gỗ được sử dụng trong tu bổ di tích chất lượng chưa được đảm bảo; vật liệu ngói, gạch đảm bảo quy chuẩn dùng cho công tác tu bổ đối với từng di tích cũng rất khiêm tốn.
Bên cạnh những kết quả đạt được từ dự án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Mỹ Sơn. Đến nay vẫn còn những tồn tại, khó khăn, nhiều hạng mục chưa được thực hiện do thiếu nguồn kinh phí đầu tư...
Công Bính
0 nhận xét:
Đăng nhận xét