Tôi yêu Đà Lạt vì yêu cái lạnh dịu dàng và những đồi thông thơ mộng. Tôi thích được dạo bước giữa một cánh rừng chỉ toàn thông với thông; được giẫm lên những chiếc lá kim mượt mà, êm ái; được nghe tiếng thông reo vi vút cùng gió; được nhìn bầu trời xanh qua những chiếc lá mảnh mai để rồi bất chợt ngân nga:
…Bầy nai ngơ ngác
Lá vàng rơi đầy miên man
Trên bờ cỏ rộng thênh thang
Nghe mùa thu đi ngỡ ngàng… (Hoài thu – Văn Trí)
Bao nhiêu lần đi Đà Lạt, bao nhiêu lần thơ thẩn dưới những gốc thông già nhưng những đồi thông quanh phố thị càng ngày càng mất đi vẻ hoang sơ. Rồi một ngày thu tháng 10, một người bạn rủ: Leo Bidoup đi, bạn không chỉ được dạo bước giữa rừng thông nguyên sinh mà còn được ngủ giữa tiếng thông reo.
Đỉnh núi Bidoup, cao 2.287m, cao nhất cao nguyên Lâm Viên
Cách Đà Lạt khoảng 50 km, núi Bidoup thuộc Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) được mệnh danh là nóc nhà của tỉnh Lâm Đồng với độ cao 2.287m.
7 giờ sáng, chúng tôi xuất phát từ TP Đà Lạt, chạy theo đường DT 723 nối Đà Lạt với tỉnh Khánh Hòa. Khi đến thôn Long Lanh, xã Đa Chais, huyện Lạc Dương thì gởi xe bắt đầu leo núi.
Tuyến leo núi Bidoup dài 17 km đi bộ và 10 km đi xe máy
Tôi chờ đợi thấy một rừng thông lộng gió khi bắt đầu chinh phục Bidoup như lời người bạn rủ rê nhưng chẳng thấy đâu mà chỉ thấy những con dốc dựng đứng leo đến bở hơi tai. Tuy vậy, dù không có thông nhưng leo trèo bên dưới cánh rừng già mát lạnh quả không có gì thú bằng.
Trên đường đi, chúng tôi thỉnh thoảng bắt gặp những đóa lan rừng trắng muốt vắt vẻo trên những cành cây rêu phong hay băng qua một đám cỏ lau bạt ngàn đẹp mê hồn. Đặc biệt, đường lên đỉnh Biduop còn đi qua một cây pơ mu khổng lồ có tuổi đời lên đến hơn 1.300 năm.
Rừng cỏ lau trên đường lên đỉnh Bidoup
Đóa lan trắng muốt trong rừng nguyên sinh
Những gốc cổ thụ rêu phong trên đường đi
Nhiều đoạn dốc đứng phải đu dây
Sau nhiều giờ đồng hồ leo trèo mệt nhoài chúng tôi cũng chinh phục được độ cao 2.278 m. Không như nhiều đỉnh núi khác, đỉnh Bidoup chỉ là một khoảng đất bằng, bên trên là tán rừng dày đặc nên không có tầm nhìn thông thoáng.
Người dẫn đường cho chúng tôi, anh K’Vâng, cán bộ Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường, thuộc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, cho biết ban quản lý vườn đã có kế hoạch xây dựng một đài vọng cảnh ở đây để du khách khi chinh phục đỉnh có thể leo lên phóng tầm mắt nhìn toàn bộ cao nguyên Lâm Viên hùng vĩ.
Tầm nhìn trên đỉnh Bidoup không được thông thoáng như nhiều đỉnh núi khác
Từ đỉnh núi, chúng tôi không trở lại đường cũ mà xuống núi theo một con đường khác để đến độ cao 2.000 hạ trại. Thêm khoảng nửa giờ len lỏi dưới tán rừng rậm rạp, chúng tôi bỗng chốc vỡ òa khi trước mắt mình hiện ra một rừng thông bạt ngàn.
Bấy giờ khoảng 4 giờ chiều, mặt trời đã khuất sau núi, sương lạnh đã vờn quanh những gốc thông già. Rừng chiều lặng gió, bếp lửa do các nhân viên của trung tâm du lịch nhóm lên để chuẩn bị bữa cơm chiều tỏa khói mơ màng.
Chuẩn bị cơm chiều giữa rừng
Thực phẩm cho bữa cơm chiều
Khi trời sập tối, chúng tôi quây quần bên bếp lửa ăn tối với cháo gà, gà nướng và mấy thứ rau rừng anh K’Vâng hái trên đường đi. Gió bắt đầu nổi lên từng cơn lạnh buốt và thông bắt đầu reo, lúc véo von như hát, lúc ầm ào như thác đổ hoặc có lúc dịu dàng như tiếng một cơn mưa lao xao. Do cả ngày leo trèo cộng với trời lạnh nên mới 7 giờ tối, chúng tôi ai nấy díu hết cả mắt. Tôi chui vào lều, kéo túi ngủ lên tậm cằm, nhủ rằng sẽ cố thức để nghe cho thật đầy, thật thỏa tiếng thông reo nhưng thiếp đi lúc nào chẳng biết.
Trong giấc ngủ sâu, tôi vẫn nghe tiếng gió đuổi lá thông làm ồn ào cả một khu rừng rộng lớn, tiếng những con chim ăn đêm thi thoảng lên rít lên một hồi thê thiết. Bất chợt, tôi thấy mặt mình sáng bừng. Mở mắt ra, trong cơn mơ màng, tôi như chết lặng cả người khi nhìn ra ngoài lều, ánh trăng đang chan hòa khắp nơi.
Tôi đã từng ngắm trăng nhiều lần trên biển, trên sông, trên cánh đồng mênh mông lúa nhưng ngắm trăng từ trên núi và dưới một rừng thông thì đây là lần đầu tiên trong đời. Hôm đó là trăng 17 nên mọc hơi muộn và không được tròn nhưng cũng đủ làm khu rừng bừng sáng.
Do là rừng lá kim nên dù dày đặc đến mức nào những tán lá thông vẫn không đủ để ngăn cản ánh trăng chảy tràn khắp nơi. Trăng làm lấp ánh những sợi lá mỏng manh đang vi vút trong gió, trăng soi tỏ những sườn đồi xanh mướt ướt đẫm sương.
Trời lạnh quá, trăng đẹp quá còn tiếng gió thì như tiếng nhạc rừng chứa bùa mê lại kéo tôi chìm sâu vào giấc ngủ…
Sáng rừng
6 giờ sáng, tiếng của lũ chim đánh thức chúng tôi dậy chuẩn bị ăn sáng rồi nhổ trại xuống núi. Rừng thông trong đêm huyền hoặc, bí ẩn bao nhiêu thì buổi sáng lại càng tươi tắn, trong trẻo bấy nhiêu, nắng chiếu xiên qua những gốc thông làm cả khu rừng như chuyển động. Để xuống núi, chúng tôi phải đi bộ 5 km rồi vượt sông Đạ Nhim bằng bè và chạy thêm vài km đường rừng nữa để ra đường DT 723.
5 km đi bộ dưới rừng thông là trải nghiệm tuyệt vời trên tuyến đường chinh phục Bidoup
Những chú bò ngơ ngác giữa rừng thông
5 km đường xuống núi đã làm tôi thỏa lòng mơ ước bấy lâu. Đó là một lối mòn thơ mộng bên dưới cánh rừng thông già ngút ngàn với những vạt lá vàng say mơ, những bờ cỏ rộng thênh thang và có tôi thay cho một chú nai vàng ngơ ngác, muốn đi, đi mãi chẳng muốn về.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét